6 THÁNG ĐẦU NĂM, CPI TĂNG 3,27% SO VỚI CÙNG KỲ, LẠM PHÁT CƠ BẢN TĂNG 3,16%

Date: 10/07/2025

Cục Thống kê (Bộ Tài chính) cho biết, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6/2025 tăng 0,48% so với tháng trước. Bình quân 6 tháng đầu năm 2025, CPI tăng 3,27% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 3,16%.

I. Tình hình chung về CPI và lạm phát cơ bản

  • Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6/2025 tăng 0,48% so với tháng trước.
  • So với tháng 12/2024, CPI tăng 2,02%; so với cùng kỳ năm 2024, tăng 3,57%.
  • CPI bình quân quý II/2025 tăng 3,31% so với cùng kỳ năm trước.
  • Bình quân 6 tháng đầu năm 2025, CPI tăng 3,27% so với cùng kỳ năm 2024.
  • Lạm phát cơ bản bình quân 6 tháng tăng 3,16%, thấp hơn mức tăng CPI chung do loại trừ một số nhóm như lương thực, thực phẩm, điện, y tế.

Nguyên nhân chính khiến CPI tháng 6/2025 tăng 0,48%

  • Giá vật liệu xây dựng tăng cao bất thường (gạch, cát, đá...) do nguồn cung khan hiếm, chi phí sản xuất và vận chuyển tăng.
  • Giá xăng dầu trong nước tăng theo biến động giá nhiên liệu thế giới.
  • Nhu cầu tiêu dùng, du lịch, điện sinh hoạt tăng mạnh vào mùa hè.

II. Chi tiết biến động theo nhóm hàng hóa và dịch vụ (tháng 6/2025)

Giao thông: Tăng 1,66%, tác động CPI chung tăng 0,16 điểm %.

  • Giá dầu diezen tăng 5,37%, xăng tăng 4,12%.
  • Vận tải đường sắt tăng 5,15%, dịch vụ gửi hành lý tăng 0,55%.
  • Phụ tùng xe tăng nhẹ do chi phí nhập khẩu linh kiện tăng.

Nhà ở, điện, nước, vật liệu xây dựng: Tăng 1,42%, tác động CPI chung tăng 0,27 điểm %.

  • Vật liệu xây dựng tăng 2,93%.
  • Giá thuê nhà tăng 0,51%.
  • Điện sinh hoạt tăng 5,0%, nước sinh hoạt tăng 0,22%, dầu hỏa tăng 3,98%.
  • Ngược lại, giá gas giảm 1,26% do giá gas thế giới giảm.

Văn hóa, giải trí và du lịch: Tăng 0,27%.

  • Du lịch trọn gói tăng 0,82% do nhu cầu mùa hè tăng.
  • Giá vé thuê chỗ chơi thể thao, thiết bị thể thao, sách báo tăng nhẹ.

Đồ uống và thuốc lá: Tăng 0,20%. Giá nước ép, nước ngọt, bia các loại và thuốc hút đều tăng do chi phí sản xuất và tiêu dùng mùa nóng.

Thiết bị và đồ dùng gia đình: Tăng 0,13%.

  • Máy điều hòa, đồ inox, máy ép trái cây tăng giá.
  • Giá thuê người giúp việc, sửa chữa máy móc, chất tẩy rửa cũng tăng nhẹ.

May mặc, mũ nón, giày dép: Tăng 0,10%. Tăng ở các mặt hàng áo mưa, mũ nón, vải và dịch vụ may mặc.

Hàng hóa và dịch vụ khác: Tăng 0,09%.

  • Giá mỹ phẩm, túi xách, sửa đồng hồ, dịch vụ cưới hỏi tăng.
  • Giá đồ trang sức giảm 1,34% theo giá vàng trong nước.

Hàng ăn và dịch vụ ăn uống: Tăng 0,06%. Lương thực giảm 0,31%, thực phẩm tăng 0,02%, ăn uống ngoài gia đình tăng 0,30%.

Thuốc và dịch vụ y tế: Tăng 0,02%. Giá thuốc hô hấp, giảm đau, vitamin, dụng cụ y tế tăng nhẹ do tỷ giá tăng.

Giáo dục: Tăng nhẹ 0,01%. Giá văn phòng phẩm, bút viết, giấy vở tăng nhẹ.

Bưu chính và viễn thông: Giảm 0,02%.

  • Máy điện thoại, máy tính bảng giảm giá; phụ kiện giảm 1,31%.
  • Dịch vụ sửa chữa điện thoại tăng 0,5%.

III. Các nguyên nhân khiến CPI 6 tháng tăng 3,27%

Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 3,69%, góp 1,24 điểm phần trăm cho CPI chung.

  • Giá thịt lợn tăng 12,75% do nguồn cung hạn chế.
  • Giá thực phẩm tăng 4,15%.

Nhóm nhà ở, điện nước và vật liệu xây dựng tăng 5,73%, góp 1,08 điểm phần trăm. Điện sinh hoạt tăng do EVN điều chỉnh giá vào tháng 10/2024 và 5/2025.

Nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 13,87%, góp 0,75 điểm phần trăm. Do điều chỉnh giá dịch vụ theo Thông tư 21/2024/TT-BYT.

Nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 6,6%, góp 0,23 điểm phần trăm. Do giá đồ dùng cá nhân, lệ phí công chứng, bảo hiểm tăng mạnh.

Nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 1,6%, góp 0,11 điểm phần trăm.

IV. Các yếu tố kiềm chế CPI - Lạm phát cơ bản

  • Nhóm giao thông: Giảm 3,63%, kéo CPI chung giảm 0,35 điểm phần trăm. Do giá xăng dầu giảm 12,56% trong một số tháng đầu năm.
  • Nhóm bưu chính và viễn thông: Giảm 0,45%, làm CPI chung giảm 0,01 điểm phần trăm. Giá điện thoại thế hệ cũ giảm.

Lạm phát cơ bản tháng 6/2025 tăng 0,31% so với tháng trước, tăng 3,46% so với cùng kỳ năm trước.

  • Bình quân 6 tháng đầu năm, tăng 3,16% – thấp hơn CPI bình quân chung.
  • Nguyên nhân do lạm phát cơ bản không tính đến lương thực, thực phẩm, điện, xăng dầu và y tế – là các nhóm hàng biến động mạnh nhất trong kỳ.

V. Diễn biến giá vàng và USD

Giá vàng trong nước:

  • Giảm 1,27% trong tháng 6/2025 so với tháng 5.
  • Tăng 48,01% so với cùng kỳ năm trước.
  • Dù giá thế giới tăng (tăng 1,93%), vàng trong nước giảm do mức giá đã cao và chênh lệch lớn với giá thế giới.
  • Ngân hàng Nhà nước đang sửa Nghị định 24/2012/NĐ-CP, có thể ảnh hưởng tới cơ chế sản xuất – kinh doanh vàng.

Tỷ giá USD:

  • Trên thế giới: giảm 1,34% do kỳ vọng FED sẽ hạ lãi suất và yếu tố chính trị.
  • Trong nước: tăng 0,32% so với tháng trước, tăng 3,3% so với cùng kỳ năm trước do nhu cầu nhập khẩu tăng.

---

Tác giả: Huyền My

Nguồn: Tạp chí Công Thương - Link

bài viết khác