ĐÁNH THUẾ NỀN TẢNG SỐ NƯỚC NGOÀI NHƯ CƠ SỞ THƯỜNG TRÚ TỪ 1/10/2025

Date: 27/06/2025

Các doanh nghiệp nước ngoài cung cấp hàng hóa, dịch vụ tại Việt Nam thông qua nền tảng thương mại điện tử và công nghệ số chính thức thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp 2025 và được coi là cơ sở thường trú…

I. Thời điểm và phạm vi áp dụng

  • Luật Thuế Thu nhập Doanh nghiệp (TNDN) 2025 được Quốc hội thông qua ngày 14/6/2025.
  • Hiệu lực thi hành: Từ ngày 1/10/2025
  • Phạm vi áp dụng: Đối với kỳ tính thuế TNDN từ năm 2025 trở đi

II. Điểm mới nổi bật: thuế đối với nền tảng số nước ngoài

Xác định nền tảng số nước ngoài là cơ sở thường trú

  • Doanh nghiệp nước ngoài cung cấp hàng hóa, dịch vụ tại Việt Nam thông qua nền tảng số hoặc thương mại điện tử (ví dụ: Google, Facebook, Amazon, TikTok...) sẽ:
    • Được xác định là “cơ sở thường trú”
    • Phải nộp thuế TNDN tương tự như doanh nghiệp trong nước
  • Đây là điểm đột phá của Luật, nhằm:
    • Đảm bảo công bằng thuế giữa DN trong nước và nước ngoài
    • Bịt lỗ hổng thất thu ngân sách từ kinh tế số
    • Tuân thủ nguyên tắc đánh thuế tại nơi tạo ra giá trị (source principle)

Tác động tới các Hiệp định tránh đánh thuế hai lần (DTA)

  • Việc coi nền tảng số là cơ sở thường trú có thể ảnh hưởng tới cách áp dụng DTA giữa Việt Nam và các nước
  • Chính phủ sẽ được quyền vận dụng linh hoạt các nguyên tắc quốc tế:
    • OECD Pillar I – II
    • Công ước của Liên Hợp Quốc (UN Model)

III. Thay đổi về chính sách ưu đãi thuế

Mở rộng đối tượng được ưu đãi

Các lĩnh vực/lĩnh vực mở rộng được hưởng ưu đãi mới:

  • Công nghệ số trọng điểm
    • Sản phẩm và chuỗi giá trị chip bán dẫn: thiết kế, đóng gói, kiểm thử
    • Trung tâm dữ liệu (Data Center) và trí tuệ nhân tạo (AI)
    • Sản xuất/lắp ráp ô tô
  • Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs): kỹ thuật, ươm tạo, không gian làm việc chung

Ưu đãi cho dự án đầu tư mở rộng: Nếu mở rộng thuộc ngành/nghề hoặc địa bàn ưu đãi. Được chọn:

  • Tiếp tục hưởng ưu đãi còn lại của dự án hiện tại
  • Hoặc áp dụng ưu đãi mới (ngoại trừ thuế suất thấp hơn)
  • Yêu cầu: Phải hạch toán riêng phần thu nhập từ phần mở rộng

Bỏ ưu đãi theo địa bàn đối với khu công nghiệp

  • Các KCN không còn được ưu đãi theo tiêu chí địa bàn: Không còn áp dụng miễn thuế 2 năm, giảm 50% trong 4 năm kế tiếp
  • Khu kinh tế không thuộc vùng khó khăn cũng bị cắt giảm ưu đãi

Cơ chế chuyển tiếp linh hoạt

  • Doanh nghiệp có thể chọn tiếp tục hưởng ưu đãi cũ hoặc chuyển sang chính sách mới nếu đáp ứng điều kiện
  • Dự án trước đây không được ưu đãi có thể được xem xét hưởng ưu đãi mới, nếu đáp ứng đủ tiêu chí

IV. Cập nhật cơ chế thuế suất và nộp thuế

Mức thuế TNDN phổ thông vẫn giữ ở mức 20%.

  • DN nhỏ và vừa có doanh thu < 3 tỷ đồng/năm: áp dụng thuế suất 15%
  • DN có doanh thu từ 3 tỷ đến dưới 50 tỷ đồng/năm: áp dụng thuế suất 17%

DN nước ngoài có thu nhập tại Việt Nam, DN siêu nhỏ, hợp tác xã không xác định được chi phí: nộp thuế theo tỷ lệ phần trăm trên doanh thu, mức cụ thể do Chính phủ quy định trong Nghị định.

Doanh nghiệp liên kết với doanh nghiệp lớn không được hưởng thuế suất ưu đãi dù có doanh thu nhỏ.

Trong trường hợp có mâu thuẫn giữa Luật Thuế TNDN 2025 và các luật khác về ưu đãi thuế, Luật Thuế TNDN sẽ được ưu tiên áp dụng, trừ trường hợp thuộc Luật Thủ đô hoặc Nghị quyết Quốc hội.

V. Cập nhật chính sách xác định chi phí được trừ

Mở rộng chi phí được trừ dù không phát sinh doanh thu

Chi phí vẫn được khấu trừ nếu nhằm mục đích phát triển dài hạn:

  • R&D – nghiên cứu phát triển
  • Đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số
  • Giảm phát thải, trung hòa carbon
  • Đầu tư công trình hạ tầng công ích
  • Chi cho phát triển bền vững

Chi phí R&D có thể được khấu trừ nhiều hơn so với thực tế, tỷ lệ do Chính phủ quy định.

Siết lại các khoản không được trừ

  • Không đủ điều kiện theo luật chuyên ngành sẽ không được trừ
  • Chi phí lãi vay từ cá nhân, tổ chức không phải ngân hàng vượt quá 20%/năm (mức của Bộ luật Dân sự) không được trừ
    • Quy định này thay thế lãi suất cơ bản của Ngân hàng Nhà nước

Thanh toán không dùng tiền mặt – nới lỏng

  • Không còn quy định ngưỡng cứng 20 triệu đồng
  • Ngưỡng thanh toán không tiền mặt để được tính chi phí hợp lý sẽ do Nghị định Chính phủ hướng dẫn, đồng bộ với Luật Thuế GTGT

VI. Bù trừ lỗ và xử lý thu nhập đặc biệt

Lỗ được bù trừ linh hoạt hơn: Lỗ từ chuyển nhượng dự án BĐS, đầu tư:

  • Được bù trừ với thu nhập chịu thuế từ hoạt động khác
  • Ngoại trừ phần đang hưởng ưu đãi thuế

Các khoản phải kê khai riêng biệt: Thu nhập từ khai thác khoáng sản (dầu khí, than, vàng...) phải:

  • Kê khai và nộp riêng
  • Không được bù trừ lỗ với hoạt động khác

VII. Ưu tiên áp dụng luật mới

Trong trường hợp xung đột với luật khác (về ưu đãi thuế):

  • Luật Thuế TNDN 2025 được ưu tiên áp dụng
  • Ngoại lệ: Luật Thủ đô và các nghị quyết đặc thù của Quốc hội

---

Tác giả: Mỹ Văn

Nguồn: Tạp chí điện tử - Link

 

bài viết khác